Sáng 24/10/2020, tại Bình Thuận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo “Mô hình quản lý khu du
lịch quốc gia” nhằm giúp các cấp, các ngành quản lý, tổng hợp, đề xuất, hoàn
thiện các khung cơ chế chính sách phù hợp với quy định, và thực hiện tốt hơn
công tác quản lý các khu du lịch.
Ông
Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Vũ Nguyễn
Phát biểu khai
mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ
trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Yếu tố quản lý đóng vai trò
quan trọng trong mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. Để quản lý tốt và đạt
được hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý các khu du lịch quốc gia, người
làm công tác quản lý phải quản lý tốt an ninh trật tự, môi trường sinh thái,
văn hóa ứng xử... trong khu du lịch. Tuy nhiên, công tác quản lý khu du lịch
cần đổi mới, đa dạng trong cách quản lý sao cho phù hợp với từng khu du lịch,
nhưng vẫn phải tuân thủ tính pháp lý.
Phát biểu chào
mừng hội thảo, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng
định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2354/QĐ-BVHTTDL ngày
24/8/2020 công nhận Khu du lịch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia không chỉ khẳng
định sự trưởng thành của ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận, mà còn là
cơ hội nâng tầm vị thế Du lịch Phan Thiết - Bình Thuận trên bản đồ du lịch Việt
Nam; đồng thời, là động lực để Du lịch Bình Thuận cất cánh trong tương lai.
Phó
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh:
Vũ Nguyễn
Báo cáo đề dẫn
Hội thảo “Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục
Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, mô hình quản lý các khu du lịch quốc gia hiện
nay rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trực thuộc UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có
nhiều mô hình trực thuộc UBND cấp huyện như: Khu du lịch Núi Sam, Ba Bể, Côn
Đảo…; một số khu du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch
như: Khu du lịch Tràng An, Tân Trào, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Năm Căn…; một số khu
du lịch khác có Ban Quản lý được lồng ghép trong Ban Quản lý vườn quốc gia…
Ngoài ra, một số khu du lịch có mô hình đặc biệt như: Khu du lịch Làng Văn hóa
- Du lịch các dân tộc Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu
du lịch Cù Lao Chàm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh
Quảng Nam, Khu du lịch quốc gia Mũi Né có có hai Ban Quản lý trực thuộc 2 đơn
vị hành chính cấp huyện khác nhau… Mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó
khăn riêng. Một số mô hình đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả trong công
tác quản lý hoạt động du lịch. Tuy nhiên, một số mô hình hiện nay còn chưa xác
định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chồng chéo trong quá trình quản
lý, gây ra những khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.
Tổng
cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh điều hành các Phiên thảo luận.
Ảnh: Vũ Nguyễn
Tại hội thảo
chia thành 3 nhóm thảo luận chuyên đề gồm: Nhóm các khu du lịch có Ban quản lý
trực thuộc UBND cấp tỉnh, Nhóm các khu du lịch có các Ban quản lý chuyên ngành
như các di tích và vườn quốc gia, và Nhóm các khu du lịch có loại hình Ban quản
lý khác. Các chuyên gia du lịch, những nhà nghiên cứu khoa học và các đại biểu
chia sẻ thực trạng công tác quản lý, mô hình quản lý, đề xuất chính sách phát
triển các khu du lịch quốc gia. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo
luận, phân tích, đánh giá về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, địa điểm
tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia trên địa bàn quản lý; đề xuất những
yêu cầu cơ bản đối với mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; đề xuất những giải
pháp áp dụng mô hình quản lý khu du lịch quốc gia… Qua đó, làm cơ sở để đề xuất
mô hình quản lý khu du lịch quốc gia phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết
định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu du lịch quốc gia cũng như chất
lượng sản phẩm du lịch, góp phần đưa Du lịch Việt Nam sớm trở thành ngành kinh
tế mũi nhọn.
Tóm tắt thảo
luận chuyên đề của Nhóm các khu du lịch có Ban quản lý trực thuộc UBND cấp
tỉnh, ông Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
cho biết: Trong thời gian qua, các Ban Quản lý đã phát huy tính chủ động, sáng
tạo, tích cực trong công tác quản lý phát triển du lịch, đem lại những kết quả
nhất định trong phát triển du lịch tại các khu du lịch quốc gia. Các Ban Quản
lý trực thuộc UBND cấp tỉnh phần lớn là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có cơ
cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự, trụ sở làm việc, có tài khoản và con dấu riêng
nên các Ban Quản lý không có thẩm quyền cấp phép, không có chức năng xử lý vi
phạm hành chính trong phạm vi khu du lịch quản lý nên hiệu lực quản lý của các
khu du lịch chưa cao. Đồng thời, các Ban Quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh được
giao thực hiện quản lý chuyên ngành trong phạm vi ranh giới khu du lịch nên có
thể bị chồng chéo với các Sở quản lý chuyên ngành hoặc với UBND cấp huyện trong
quản lý lãnh thổ hoặc với cả hai nếu không có phân định trách nhiệm rõ ràng.
Mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa các Ban Quản lý và các Sở, ngành nhưng có
nơi quy chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, nếu được quy hoạch và đầu
tư đúng mức các khu du lịch quốc gia sẽ tạo được sức hút và kỳ vọng phát triển
tại địa phương và vùng, nên cần có đơn vị quản lý chuyên ngành, quản lý chuyên
trách khu du lịch quốc gia theo đúng quy định; đồng thời ủy quyền cho Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia căn cứ theo quy mô,
tính chất phát triển du lịch của địa phương, đảm bảo quản lý các khu du lịch
quốc gia theo đúng nội dung quản lý khu du lịch đã quy định, và cần có hướng
dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, để quản lý các khu du lịch quốc gia
cấp tỉnh hiệu quả hơn, cần xây dựng quy chế phối hợp cụ thể hơn, chính xác hơn;
thực hiện chế độ một cửa tại các Ban Quản lý liên quan đến đầu tư và một số vấn
đề liên quan khác.
Bà Đỗ Cẩm Thơ -
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - Tổng cục Du lịch chủ trì Nhóm các khu du
lịch có các Ban quản lý chuyên ngành như các di tích và vườn quốc gia tóm tắt
những ý kiến, đề xuất của nhóm: Các ban quản lý chuyên ngành quản lý các loại
tài nguyên du lịch thuộc các khu vực ranh giới được xác định khá rõ ràng; các
dạng tài nguyên du lịch thuộc nhóm các Ban Quản lý này có yêu cầu về quản lý
chuyên ngành cao, đặc biệt là yêu cầu về bảo tồn, bảo vệ; các Ban Quản lý thuộc
nhóm này thường là những Ban quản lý lâu năm, là các đơn vị trực thuộc UBND
tỉnh/huyện nhưng chịu sự quản lý, hướng dẫn của Bộ, Sở là cơ quan quản lý
chuyên ngành... Tuy nhiên, nhiều khu hiện nay chưa có sự quan tâm đến cơ cấu,
chức năng về quản lý và phát triển du lịch; chưa có bộ phận hay cán bộ chuyên
trách về lĩnh vực du lịch; chưa chú trọng thực hiện các nhiệm vụ về quản lý
phát triển du lịch ở khu du lịch… Vì vậy, cần duy trì hình thức Ban Quản lý là
đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và kiện toàn theo hướng bổ sung
chức năng nhiệm vụ quản lý công tác quy hoạch đối với phát triển quản lý hoạt
động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động hướng dẫn viên du lịch; quản lý phát
triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm; liên kết phát
triển tour, tuyến du lịch và xúc tiến đầu tư phát triển khu du lịch. Trên cơ sở
bổ sung các chức năng, nhiệm vụ này sắp xếp lại tổ chức để hình thành các tổ
chuyên trách quản lý khu du lịch.
TS. Lê Văn Minh
- Trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ
trì Nhóm các khu du lịch có loại hình ban quản lý khác cho biết: Mô hình Ban
quản lý các khu du lịch quốc gia hiện nay rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trực
thuộc UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có nhiều mô hình trực thuộc UBND cấp huyện,
một số khu du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch, một
số khu du lịch khác có ban quản lý được lồng ghép trong Ban quản lý vườn quốc
gia. Ngoài ra, một số khu du lịch lại có mô hình Ban quản lý đặc biệt trực
thuộc Bộ hoặc Sở, Ngành… Mỗi mô hình Ban quản lý khu du lịch quốc gia đều có
những thuận lợi và khó khăn nhất định. Một số mô hình đã đi vào hoạt động và
mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý các hoạt động du lịch. Đây là
những đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự,
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động rõ ràng, được trao quyền tự
chủ trong công tác quản lý… nên đảm bảo tính thống nhất trong quản lý phát
triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số mô hình Ban quản lý còn chưa xác
định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động; một số Ban quản lý có
cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có
nhân sự chuyên trách… nên công tác quản lý không hiệu quả; một số Ban quản lý
là đơn vị quản lý Nhà nước, nên không có nguồn thu; một số Ban quản lý khác là
đơn vị sự nghiệp, nên không có chức năng xử lý vi phạm hành chính… nên hiệu lực
quản lý chưa hiệu quả. Ngoài ra, một số Ban quan lý còn bị chồng chéo giữa quản
lý hành chính với quản lý du lịch, giữa quản lý ngành du lịch với các ngành
khác…, trong quá trình quản lý nên gây ra những khó khăn nhất định. Theo đó,
Nhóm đã đề xuất mô hình quản lý chung cho Ban Quản lý khu du lịch quốc gia:
quản lý giám sát quy hoạch khu du lịch quốc gia; quản lý công tác xúc tiến, kêu
gọi đầu tư vào khu du lịch; quản lý công tác đầu tư phát triển du lịch; quản lý
các công trình phát triển hạ tầng kỹ thuật, môi trường; quản lý công tác bảo vệ
rừng, bảo tồn và phát huy văn hóa, đảm bảo an ninh an toàn trong khu du lịch…
Kết luận tại
hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh:
Hội thảo đã làm rõ được những mặt thuận lợi và hạn chế trong các mô hình quản
lý khu du lịch quốc gia trong cả nước, nhưng chưa tìm ra được mô hình quản lý mẫu
để áp dụng cho từng địa phương. Vì thế, các Ban Quản lý khu du lịch quốc gia
cần kiến tạo một hệ sinh thái du lịch, hệ sinh thái văn hóa bền vững nhằm phát
triển khu du lịch bền vững để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó,
cần đề xuất Thủ tướng một Nghị định khung về thành lập khu du lịch có đầy đủ
chức năng quản lý nhà nước nhưng phải đảm bảo thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường
và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định. Đối với những khu du lịch
quốc gia có điều kiện với quy mô diện tích lớn, phát triển trong tương lai dài
thì được hưởng quyền lợi như các khu công nghiệp và khu kinh tế. Những khu du
lịch quốc gia có quy mô hẹp, chủ yếu giữ gìn, tôn tạo và phát huy tài nguyên
sẵn có nên khuyến khích các đơn vị cộng đồng tham gia đầu tư.
Để phát triển
một cách bền vững các khu du lịch, Thứ trưởng đề nghị tăng cường vai trò quản
lý nhà nước đối với các khu, điểm du lịch về quản lý an ninh trật tự, môi
trường, văn hóa…; tìm nguồn nhân lực có chất lượng về năng lực quản lý để công
tác quản lý các khu du lịch đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, Thứ
trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tổng kết mô hình hoạt
động của các đơn vị để có đánh giá đúng hơn, và thông qua những chứng cứ khoa
học để đến cuối tháng 12/2020, Tổng cục Du lịch chủ trì một hội nghị có sự tham
tham gia của các Cục, Vụ, Viện liên quan nhằm xây dựng được mô hình khung quản
lý khu du lch quốc gia, trình Thủ tướng.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né được
biết đến với tài nguyên du lịch đặc sắc, đồi cát trải dài, rộng lớn; hệ thống
di sản văn hóa, làng nghề truyền thống gắn liền với cuộc sống của ngư dân
làng chài ven biển; văn hóa ẩm thực với hương vị đặc trưng của biển… Hiện
nay, Mũi Né được mệnh danh là thiên đường du lịch với nhiều sản phẩm du lịch
nghỉ dưỡng, vui chơi trên biển, là điểm đến lý tưởng dành cho du khách trong
và ngoài nước. Thời gian qua, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã thu hút được
nhiều nhà đầu tư chiến lược, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp nhằm đáp
ứng yêu cầu phát triển du lịch. Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 đưa Khu du
lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực
châu Á - Thái Bình Dương.
|
Vân
Băng
Nguồn: Tạp chí Du lịch
|